TRỞ THÀNH GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC - HÀNH TRÌNH VỚI NGHỀ SẼ RA SAO?

Chào các bạn, mình là Khánh Linh – hiện tại đang giảng dạy về lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng tại trường Đại học Ngoại thương, trước đây từng học thạc sĩ về tài chính tại trường đại học Queen Mary, University of London và hiện nay đang làm nghiên cứu sinh tại trường Đại học Kinh tế quốc dân. Sau 04 năm làm việc trong ngành giáo dục, mình đã có khá nhiều những trải nghiệm thú vị và hy vọng rằng những kinh nghiệm cá nhân đối với công việc mà mình chia sẻ có thể giúp ích được cho những bạn quan tâm đến lĩnh vực này.
Nào, chúng ta cùng bắt đầu nhé!

Công việc của một giảng viên, thoạt đầu cứ nghĩ chỉ có mỗi việc lên lớp và truyển đạt lại kiến thức cho sinh viên, thế mà lại không phải chỉ đơn thuần mỗi vậy . Thông thường trong một năm học mình sẽ phải đảm bảo 03 công việc chính: giảng dạy, nghiên cứu khoa học, và tham gia các hoạt động chung dành cho giảng viên và sinh viên của Nhà trường.

Giảng dạy là công việc chính mà mình phải thực hiện khi xác định theo đuổi nghề giảng viên, dĩ nhiên là như vậy. Và đặc thù của công việc này sẽ hơi khác so với các công việc văn phòng và công việc nhóm, vì ở đây mình làm việc một cách độc lập. Để có thể lên lớp một cách trơn tru mượt mà, khâu chuẩn bị là cực kỳ quan trọng! Các bước chuẩn bị sẽ gồm có:

Bước 1: Soạn bài giảng

Xác định đi theo con đường học thuật có nghĩa là mình sẽ cần nghiêm túc lĩnh hội kiến thức từ khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường. Một nơi khá lý tưởng giúp mình tập trung vào việc đọc, phân tích và tìm hiểu vấn đề, đó là thư viện trường. Tin mình đi, toàn bộ tinh hoa của thế giới đều có thể tìm ra trong những cuốn sách, và dĩ nhiên cách dễ nhất để tiếp cận được nguồn tài nguyên khổng lồ đó chính là thư viện. Ngồi làm việc tại một không gian yên tĩnh và có thể tìm được bất cứ thứ gì mình cần chính là điểm khiến mình luôn rất yêu các thư viện, và tới bất cứ trường đại học nào cũng sẽ phải tìm cách vào thư viện của trường đó ít nhất 01 lần cho biết 

Để có thể soạn được bài giảng một cách cẩn thận và chỉn chu nhất, mình sẽ cần đến 03 công cụ chính: giáo trình, slide bài giảng, và giáo án. Slide là thứ bắt buộc phải có khi lên lớp, thường cái này khi mới vào nghề mình sẽ chưa có ngay, mà sẽ tham khảo thêm từ các đồng nghiệp cũng như từ khi đi học đã dõi theo những thầy cô có phong cách giảng dạy hay ho mà mình thích để “bắt chước” . Giáo trình sẽ được lựa chọn dựa trên kinh nghiệm từ các đồng nghiệp trong bộ môn để phù hợp với môn học. Sau đó, soạn giáo án chính là lúc mình hình dung xem khi thuyết giảng trên lớp thì mình sẽ nói những nội dung gì – cũng là khâu khó và quan trọng nhất! Thời đầu khi mới vào nghề, “cháy giáo án” là thứ mà bất kỳ ai cũng lo lắng cực kỳ luôn!

Bước 2: Đi dự thính giờ giảng 

Đây là một bước khá là thú vị trong quá trình mình bắt đầu công việc này. Mỗi học phần sẽ diễn ra trong 15 buổi, và dựa vào đề cương chi tiết của môn học mình sẽ biết được hàm lượng kiến thức mình cần cung cấp trong mỗi buổi sẽ như thế nào. Tuy nhiên, để có kinh nghiệm đứng trên giảng đường và xử lý tình huống một cách thuyết phục, khi mới vào nghề, chúng mình sẽ có 06 tháng đầu tiên đi nghe giảng và dự giờ của các đồng nghiệp có thâm niên. Mình sẽ học cách các thầy cô triển khai bài giảng như thế nào, tương tác cùng với sinh viên trong lớp ra sao. Và với cùng một nội dung kiến thức, mỗi người sẽ có những cách truyền đạt khác nhau, do đó mình sẽ được tiếp cận nhiều phong cách giảng dạy và tham khảo thêm để hoàn thiện cho chính mình.

Bước 3: Trao đổi với những người xung quanh

Càng học nhiều thì mình càng nhận ra, những gì mà mình biết mới chỉ là hạt cát trên sa mạc. Và đôi khi, có những kiến thức khá sâu về tài chính thì mình không thể hiểu hết chỉ bằng cách đọc giáo trình. Do đó, bên cạnh việc tự tìm hiểu, tự nghiên cứu, mình sẽ trao đổi thêm những kiến thức và hiểu biết của mình với những người xung quanh. Rất may mắn vì môi trường làm việc của mình được quen biết với những người đồng nghiệp giỏi và luôn sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ khi mình có vấn đề nào chưa nắm rõ. Việc trao đổi với đồng nghiệp về các kiến thức học thuật giúp mình hiểu được bản chất vấn đề rõ hơn, và từ đó tìm ra cách để diễn giải theo hướng cơ bản nhất giúp cho sinh viên dễ tiếp cận. Bên cạnh đó, mình cũng sẽ trao đổi thêm với những người bạn bè đi làm thực tế ở các doanh nghiệp, cơ quan bên ngoài, cũng như nghe tin tức trên báo đài, thời sự,… để cập nhật các thông tin mới nhất vào bài giảng và liên hệ những gì trong lý thuyết với thực tiễn, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm mà mình cung cấp cho các bạn sinh viên. 

Bước 4: Tự nâng cao năng lực của bản thân

Khi đã xác định đi theo con đường học thuật, thì tôn chỉ mà mình luôn cần nhớ trong đầu đó là “học, học nữa, học mãi”. Liên tục phải cập nhật kiến thức chính là công việc mà mình cần làm hàng ngày. Bên cạnh giáo trình cơ bản, đọc thêm những cuốn tiểu thuyết kinh điển về tài chính, tiền tệ, ngân hàng, cũng như cách vận hành của nền kinh tế sẽ giúp mình hiểu được những gì đang xảy ra trong thực tế và kể những câu chuyện đó cho các bạn sinh viên. Ngoài ra, học thêm kiến thức chuyên ngành để nâng cao chuyên môn và tích luỹ chứng chỉ nghề nghiệp cũng là những việc mình cần thực hiện để tự nâng cao năng lực của bản thân. Luôn tự ý thức được rằng thế hệ sau ngày càng trẻ trung giỏi giang hơn thế hệ trước chính là động lực khiến mình cũng phải tự đẩy bản thân bước tiếp chứ không dừng lại. Bởi vì, mỗi ngày chỉ cần cố gắng thêm 1% thì sau một năm mình đã giỏi hơn 37,8 lần rồi :D Đặc biệt khi mình đang còn trẻ, có nhiều thời gian và năng lượng, thì việc tích luỹ kiến thức lại càng cần thiết. Những kỹ năng như tin học văn phòng, ngoại ngữ, và các chứng chỉ hành nghề sẽ là hành trang rất tốt để hỗ trợ mình hoàn thành công việc theo đúng như tiêu chuẩn mà mình đã tự đặt ra cho bản thân, đóng góp được thêm nhiều giá trị hơn cho cộng đồng và giúp được các bạn sinh viên trên hành trình tiếp nhận kiến thức, chuẩn bị hành trang bước vào cuộc sống.

Trên đây là một số chia sẻ của mình về một trong ba công việc chính mà mình đang phụ trách hiện nay. Bên cạnh việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học và các công việc khác liên quan đến giảng viên và sinh viên cũng chiếm phần lớn thời gian của mình trong ngày.

Nếu có cơ hội mình sẽ chia sẻ thêm về các công việc này trong một bài viết khác, hoặc các bạn có thể trực tiếp kết nối với mình tại đây nhé.

Looking forward to our interesting conversations coming up!

__________________________________________

Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...

TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!

 

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết

anhhoan
anhhoan

2022-07-10 12:12:14

Giảng viên - Huấn luyện viên - Lãnh đạo… đều có điểm tương đồng là: “TRUYỀN CẢM HỨNG” cho 1 nhóm người để họ THỂ HIỆN BẢN THÂN tốt nhất. Giảng viên giỏi nhất là những người hùng thầm lặng trong bất kỳ xã hội nào Đồng cảm với bản vì mình cũng là giảng viên ĐH