MARKETING PLANNER - HÀNH TRANG “TINH GỌN” ĐỂ KHÁM PHÁ THẾ GIỚI

Xin chào các bạn, tôi là Phùng Hải Long, một người đã có ngót nghét 15 năm học và làm việc trong lĩnh vực Marketing tại Việt Nam. Hiện tôi đang phụ trách Marketing & Event tại Athenar Agency thuộc Admicro, VCCorp.
Và trong chừng ấy năm, câu hỏi: “Học gì? và Làm như thế nào?” luôn là câu hỏi mà chính bản thân tôi, cũng như nhiều bạn trẻ trong hành trình khám phá Marketing luôn gặp phải. Kiến thức trong Marketing dường như là 1 đại dương mênh mông vô tận, có hàng tỷ thứ mới mẻ để ta khám phá mỗi ngày, và đôi khi nhiều quá lại gây … ngạt thở, mất phương hướng.
Qua đây tôi sẽ chia sẻ với các bạn 1 vài “hành trang” dành cho các bạn làm Marketing Planner, đặc biệt ở Agency-Side, hi vọng sẽ giúp ích cho các bạn.

Ngày nảy ngày nay …

Nếu bạn là một Marketing Planner, hoặc đang muốn trở thành Marketer, thì xin chúc mừng, bạn đang/ sẽ là một “ngôi sao sáng” tại doanh nghiệp/agency. Bạn chính là “ngôi sao dẫn đường” cho những chiến dịch truyền thông, quảng cáo “xịn sò” mà cộng đồng trầm trồ ngưỡng mộ… Hoặc, sẽ ngồi một mình giữa văn phòng lạnh lẽo lúc 21h đêm và gỡ “phốt”, cùng cố nuốt trôi những dòng tin đầy “căm hờn” của đối tác (client), của sếp và có thể của cả người thương đang chờ ở nhà, bạn - một ngôi sao cô đơn.

Câu chuyện bắt đầu vào một ngày đẹp trời, Khách hàng (Client) thân thương có nhiều điều muốn nói cho người tiêu dùng (Consumer) nhưng không biết phải nói thế nào, và Client tìm đến Agency. Nơi bạn được giao nhiệm vụ biến điều Client muốn nói - thành điều Consumer muốn nghe, và thuyết phục họ mua hàng.

Vậy Marketing Planner sẽ làm gì ?

Trước tiên bạn phải nhìn ra được vấn đề thật sự của Client, vấn đề từ lớn đến nhỏ, đưa ra các giải pháp và sắp xếp thành một lộ trình từ A đến Z. Giống như muốn đến kho báu phải giải mã được bản đồ, phải biết cần chinh phục những cột mốc nào và tránh cạm bẫy dẫn đến thất bại.

Nhưng “thấu hiểu” và giải mã khách hàng thôi chưa đủ, một điều cực kỳ quan trọng nữa: Planner phải có khả năng giải thích cho tất cả những thứ mình làm và bảo vệ những điều mình nói. Sẽ luôn có những nghi ngờ về kế hoạch bạn đưa ra, những câu hỏi, những phản biện, đôi khi là sự gạt bỏ phũ phàng, nhưng một Planner “chân chính” luôn có kế hoạch cho mọi tình huống.

Vậy hành trang “tinh gọn” của Marketing Planner để trở thành “ngôi sao sáng” dẫn đường là gì?

1.Một chiếc ống nhòm để xác định mục tiêu

“Người ta không đi quanh và rồi phát hiện ra mình ở trên đỉnh ngọn Everest”. Zig Ziglar

Client mang đến không chỉ 1 đỉnh Everest, bạn có thể bị “chóng mặt” bởi hàng tá mục tiêu Client muốn, và đa số là những ảo ảnh, bạn cần một chiếc ống nhòm để phân biệt và chọn lựa những mục tiêu đúng.

Có 3 loại mục tiêu lớn mà bạn cần làm rõ:

#1. Business Objective – Mục tiêu kinh doanh:  liên quan các vấn đề hoạt động kinh doanh như doanh số bán hàng, thị phần, điểm bán…

#2. Marketing Objective – Mục tiêu marketing: hướng tới việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng, như khuyến khích sử dụng nhiều sản phẩm hơn, sử dụng sản phẩm mới, tăng giá trị sản phẩm, hay tăng mức độ trung thành...

#3. Communication Objective – Mục tiêu truyền thông: là loại mục tiêu gần gũi nhất của Marketing Planner Agency. Dựa trên hành vi mua hàng của người tiêu dùng có một tháp hình phễu 4 cấp độ dễ hiểu từ trên xuống gồm:

+ Category Need: Nhu cầu về chủng loại sản phẩm

+ Brand Awareness: Ấn tượng, nhận thức về thương hiệu

+ Brand Attitude: thái độ với thương hiệu

+ Brand Purchase Intention: Ý định mua hàng

Và quan trọng là đừng đưa những mục tiêu chung chung như “Càng nhiều người biết càng tốt”, “Bán được nhiều hàng hơn”, “Bài viết nhiều người đọc”, … Hãy S.M.A.R.T mục tiêu để không làm những điều “Stupid”!

Mục tiêu đúng mới dẫn đến giải pháp đúng. Đừng đi ngược chiều, nguy hiểm đấy!

2.Chiếc la bàn Insight: Năng “nhặt” insight, ngày mai no ấm

“Nếu bạn không lắng nghe khách hàng của mình, người khác sẽ làm điều đó!”. - Sam Walton

Việc luôn tìm cách lắng nghe và thấu hiểu insight của khách hàng là điều kiện tiên quyết của một Planner để xây dựng plan hiệu quả. Insight như 1 chiếc la bàn giúp Planner xác định phương hướng và không lạc lối giữa nhiều tập khách hàng khác nhau. Planner mỗi ngày phải tìm và lưu trữ insight của mọi người ở tất cả mọi ngành, từ đọc các report ngành của Nielsen, Kantar, We are social, BuzzMetric..., cho đến giao tiếp, quan sát với nhiều nhóm người, ngành nghề, độ tuổi. Ví dụ như khi đi xe công nghệ, hãy thử bắt chuyện với các bác tài, bạn sẽ gặp rất nhiều nghề nghiệp khác nhau, và những câu chuyện đời  rất thú vị không bao giờ có trong sách vở hay cả trên Google.

3. Một chiếc bản đồ Kênh truyền thông theo chân người tiêu dùng

Một chiếc bản đồ với hàng trăm kênh truyền thông như là hàng trăm con đường dẫn đến mục tiêu, chọn đi những đường nào để ngắn nhất, nhanh nhất, tránh kẹt xe, mà lại tối ưu chi phí? Hãy hiểu rõ mỗi kênh có một ưu điểm, nhược điểm khác nhau để sắp xếp thành 1 lộ trình hoàn chỉnh!

Đặc biệt, hiện tại khi COVID-19 chưa kết thúc, mọi người chuyển lên online, các kênh và các hoạt động triển khai trên digital cùng insight mới của người tiêu dùng là điều mọi Planner không thể bỏ qua. Người dùng xem Video online nhiều hơn (không chỉ video Youtube, Facebook, mà cả Tiktok, Instagram…), Livestream trở thành 1 “thế lực” trong truyền tải nội dung chân thực, sống động, hay influencer marketing bùng nổ, … tất cả tạo nên một chương mới với rất nhiều cơ hội và thách thức để Planner khám phá.

Ngoài ra, việc lựa chọn phối hợp các kênh có tỷ lệ chuyển đổi cao cũng đặc biệt quan trọng trong giai đoạn “sống còn” này, marketing phải bán được hàng, đó gần như đã trở thành “luật bất thành văn”, là mong muốn của mọi client khi chi tiền cho truyền thông quảng cáo. Planner có thể tối ưu nội dung, thông điệp, và liên kết với các giải pháp thương mại điện tử đang nở rộ, giúp người tiêu dùng dễ dàng click mua sản phẩm ngay khi có nhu cầu. Quy trình mua hàng nay đã khác, sự “cân nhắc” hay “ghi nhớ” trở nên xa xỉ hơn bao giờ hết, người tiêu dùng đang có xu hướng “mua ngay” hoặc “bỏ qua quảng cáo” sau 5 giây.

4. Và chuẩn bị lương thực: Biết người biết ta, lượng sức cùng nhau “lên đỉnh”

Trong bất cứ bản kế hoạch nào, luôn cần cân nhắc “nguồn lực” của Client, và của chính Agency, làm được đến đâu để có kết quả tốt nhất (KPIs) trong khả năng và mục tiêu đã chọn. Nó cũng như việc phải chuẩn bị kỹ “lương thực” cho mỗi hành trình dài vậy, đang leo núi mà khát nước thì làm gì có shipper nào tới kịp?

Ví dụ, nguồn lực về tài chính luôn cần được nhìn nhận, chia sẻ một cách rõ ràng, đa số mục tiêu của Client muốn chinh phục đỉnh Everest, nhưng “ngân sách” lại chỉ đủ lên đỉnh Fansipan. Hay nguồn lực về con người, hệ thống phân phối cũng cần làm rõ. Bạn truyền thông tốt, thu hút hàng ngàn người tiêu dùng quan tâm sản phẩm, nhưng nhân sự sale có đủ năng lực chốt deal? Hệ thống phân phối có đủ phục vụ lượng lớn khách hàng phát sinh? Planner và Client hãy biết lượng sức để cùng nhau “lên đỉnh”.

5. Và cuối cùng, để luôn sẵn sàng cho những hành trình, đừng quên rèn luyện sức khỏe thể lực và trí lực mỗi ngày

Marketing Planner cần chuẩn bị cho mình 5 “siêu năng lực” sau đây để luôn sẵn sàng cho mọi thử thách, thích nghi với mọi biến đổi của thị trường và người tiêu dùng:

+ Năng lực nghiên cứu: về consumer insight, kênh truyền thông, các xu hướng… cho đến tình hình kinh tế, chính trị, xã hội, và bất cứ yếu tố nào có thể tác động đến chiến dịch. Nếu không có khả năng nghiên cứu, bạn không thể trở thành planner.

+ Năng lực thấu cảm: một trái tim nhạy cảm và sẵn sàng lắng nghe để thấu hiểu, nắm bắt được suy nghĩ và cảm xúc, tâm lý người tiêu dùng

+ Năng lực sáng tạo: để sống được trong thế giới sáng tạo với những con người sáng tạo một cách “crazy”

+ Năng lực thuyết phục: Nếu bạn không thuyết phục được người khác thì làm sao bán được idea, làm sao thắng pitching ?

+ Năng lực trình bày: tạo ra bài thuyết trình powerpoint không chỉ đẹp, mà có cấu trúc logic và chiến lược hợp lý.

Vậy bạn đã sẵn sàng chưa? “Pack đồ” cùng lên đường chinh phục đỉnh Everest thôi nào!

-------------------------------------------------

Có những điều tôi ước giá như ai đó có thể chỉ cho tôi sớm hơn. Và đó cũng là lý do tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ các bạn trẻ, qua kênh Youtube Podcast @30TodayTalk, và bây giờ là qua Mentori này.

Bạn có thể kết nối trực tiếp với tôi để trò chuyện thêm về Marketing, về Kinh doanh, về Hướng nghiệp, và những điều thú vị trong cuộc sống tại đây

Chúc bạn luôn thật nhiều thành công!

---------------------------------------------------

Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...

TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!

 

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết

Trang Cao
Trang Cao

2022-07-13 16:03:08

Biết là khó nhưng có gợi ý và góc nhìn của anh, em cũng yên tâm hơn phần nào khi lựa chọn ngành ạ


anhhoan
anhhoan

2022-07-10 12:04:49

Great…! Các bạn tại VCCorp rất xuất sắc Mình có dịp làm việc với Nguyễn Tuấn - Phó TGĐ và cảm nhận đc sự chuyên nghiệp và tầm nhìn tương lai của Cty Chúc mừng bạn


anhhoan
anhhoan

2022-07-10 12:04:45

Great…! Các bạn tại VCCorp rất xuất sắc Mình có dịp làm việc với Nguyễn Tuấn - Phó TGĐ và cảm nhận đc sự chuyên nghiệp và tầm nhìn tương lai của Cty Chúc mừng bạn


Minh Anh Vũ
Minh Anh Vũ

2022-07-08 12:42:35

Đọc mà hiểu ra nhiều thứ cần chuẩn bị để trở thành 1 planner, em cảm ơn anh rất nhiều ạ