TRẢI NGHIỆM LUẬT BẤT THÀNH VĂN VỀ CẢM XÚC

Như một "luật bất thành văn" thì cảm xúc được xếp vào rổ "không chuyên nghiệp"... Nhưng LÀ CON NGƯỜI THÌ AI CŨNG CÓ CẢM XÚC. Việc chối bỏ cảm xúc chỉ làm cho mình sống theo sự chi phối của cảm xúc mà thôi.
Chào các bạn, Mentori Vietnam hôm nay muốn chia sẻ đến các bạn một bài viết rất hay của chị Thao Pham (ICF Professional Certified Coach) diễn giải về cảm xúc. Hy vọng bài viết sẽ hữu ích với các bạn!

Hiểu về cảm xúc có làm cho mình sống quá cảm xúc?

Đây là câu hỏi đến với mình trong thời gian gần đây.

Mình không có câu trả lời chắc chắn cho câu hỏi này. Mình chỉ muốn chia sẻ trải nghiệm và quan sát của bản thân. Hy vọng bạn sẽ bắt đầu quan sát (bản thân bạn và những người xung quanh) từ ngày mai để tự tìm câu trả lời cho chính mình.

Hồi đó sếp mình với title Director ngồi ở London nên không thể tham dự những cuộc họp của anh ấy ở Singapore (múi giờ bị lệch). Thế là mình được thay sếp vào họp hàng tháng với các vị trưởng phòng ban. Mình vẫn nhớ như in chuyện đã xảy ra ở một trong những cuộc họp quan trọng ấy. Hôm đó một giám đốc thương hiệu đang chia sẻ quan điểm thì sếp của bạn ấy nhẹ nhàng bảo:

"Bạn đang chia sẻ quan điểm với quá nhiều cảm xúc. Tôi đề nghị chúng ta dừng cuộc thảo luận về vấn đề này tại đây".

Cái giây phút đó mình thấy choáng pha một chút thú vị. Lần đầu tiên Cảm xúc, một khái niệm hiếm khi được nghe nói đến ở chốn văn phòng, lại được đề cập ở một cuộc họp quan trọng. Thú vị là sự có mặt của nó lại có khả năng kết thúc một cuộc debate ngoạn mục đến như vậy. Nhưng điều thú vị nhất là bạn giám đốc nhãn hàng, vài ngày sau, với sự có mặt của nhiều đồng nghiệp, đã mời sếp ra nghe phân tích tâm lý học mà bạn mới tìm được, chứng minh rằng hôm ấy bạn đã nói chuyện với Passion (đam mê về nhãn hàng) chứ không phải nói chuyện với quá nhiều cảm xúc. Cả bọn được một phen cười lăn lộn.

P.S. ngoài lề, mình yêu cái sự open của các sếp bên đó dễ sợ.

Đây là trải nghiệm giúp mình hiểu được là một cách nào đó, như một "luật bất thành văn" thì cảm xúc được xếp vào rổ "không chuyên nghiệp", cảm xúc không nên có mặt trong các quyết định quan trọng, cảm xúc bị xem là làm lu mờ lý trí. Có lẽ vì thế mà ngay đến tên gọi của các cảm xúc cũng không nên được nói ra ở chốn văn phòng.

"Tôi giận chị/ anh", "Tôi thất vọng về bạn", "Tôi lo sợ dự án này sẽ không thành công"

Nghe kỳ kỳ phải không? Bản thân mình sau bao nhiêu năm đi làm cũng hiếm nghe những câu như vậy.

Nhưng mà liệu chuyện mình cố gắng chối bỏ/ làm ngơ cảm xúc thì tụi nó có hoàn toàn biến mất khỏi văn phòng không, và có làm mình thật sự chuyên nghiệp không?

  • Khi bạn tức giận ai đó, có đơn giản là bạn làm ngơ rồi sẽ hết tức giận? Hay là bạn phải xả ra/ trừng phạt/ to tiếng rồi mới hết giận?
  • Khi bạn lo lắng điều gì đó, có đơn giản là bảo thôi không lo nữa là sẽ hết lo? Hay là bạn sẽ mất ăn mất ngủ vì lo âu?

Trải nghiệm của mình từ một người không có chút hiểu biết gì về cảm xúc, cho đến khi mình học được:

Giận (Anger) xui khiến mình trừng phạt người đã làm mình giận

Impulse for action: To punish the source of injustice

Thất vọng (Disappointment): xui mình ngừng kết nối với người kia

Impulse for action: to look for the disconnect

Lo (Anxiety) làm cho mình lo lắng không yên

Impulse for action: worry

Trích dẫn: The field guide to emotions by Dan Newby & Curtis Watkins.

Mình ngỡ ngàng nhận ra rằng mình đã hành xử như sự xúi giục của cảm xúc trong nhiều năm mà không hề hay biết: to tiếng tranh cãi với đồng nghiệp để bảo vệ quan điểm của mình, thất vọng về nhân viên thì không thèm nói chuyện nữa, lo lắng cho dự án đến mất ăn mất ngủ…

Rồi mình nhận ra rằng Giận (Anger) đến là chỉ nói cho mình biết "Có chuyện gì đó sai", Thất vọng nói "Điều vừa xảy ra không đúng như kỳ vọng của mình", Lo nói "có một rủi ro nào đó có thể xảy ra".

Nếu được làm lại, thay vì Giận rồi to tiếng với đồng nghiệp, mình sẽ hít thở, lấy lại sự bình tĩnh và nói cho họ biết mình nghĩ quan điểm của họ SAI ở chỗ nào, chứng cứ số liệu ra sao để chứng minh quan điểm của mình đúng. Thay vì ngừng kết nối vì Thất vọng, mình sẽ nói cho team mình biết KỲ VỌNG mình ra sao, họ cần làm gì để đáp ứng được kỳ vọng của mình. Rồi thay vì ôm cục lo lắng trong lòng, mình sẽ tìm hiểu RỦI RO của dự án ở đâu và tự tìm giải pháp, nếu không tìm ra được, mình sẽ nhờ vả trí não của những người xung quanh.

Mình học được rằng: LÀ CON NGƯỜI THÌ AI CŨNG CÓ CẢM XÚC. Việc chối bỏ cảm xúc chỉ làm cho mình sống theo sự chi phối của cảm xúc mà thôi. Hiểu về bản chất của cảm xúc (thông điệp đặc trưng của mỗi cảm xúc và năng lượng chúng thường xui khiến mình làm theo) giúp mình có những quyết định/ cách hành xử hợp tình hợp lý và chuyên nghiệp hơn.

Đó là trải nghiệm của mình. Hy vọng bạn sẽ dành thời gian quan sát và tự tìm câu trả lời cho bạn nhé.

Credit: Thao Pham

 

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết