KHÔNG HỌC CÔNG NGHỆ CÓ LÀM TRONG NGÀNH CÔNG NGHỆ ĐƯỢC KHÔNG

"Không học công nghệ có làm trong ngành công nghệ được không?" Là câu hỏi mình tự hỏi và được nghe suốt 1 thời gian dài khi bắt đầu bước chân vào ngành. Không chỉ ngôn ngữ lập trình mà những công nghệ sử dụng trong ngành nói chung là một rào cản khá lớn đối với nhiều bạn có ý định dấn thân vào thế giới IT.

Nghề Quản lý Sản phẩm - Product Management trong ngành phát triển phần mềm là một nghề tương đối mới. Hầu hết các Product Manager có xuất phát điểm là lập trình viên, hoặc nhân viên kiểm thử, hay nhân viên thiết kế. Những yêu cầu đời đầu dành cho vị trí này thường phù hợp với những người trực tiếp tham gia vào công đoạn phát triển sản phẩm phần mềm.

Cùng với đó là sự phát triển của những phương pháp tổ chức đội nhóm phát triển tinh gọn và linh hoạt hơn, dẫn đến nhu cầu “hiểu” và “cảm” được người dùng cũng cao hơn. Những tố chất đó lại phần nào khó có thể đáp ứng được từ các lập trình viên, và do đó, cần có những Product Manager giúp dẫn dắt và định hướng sản phẩm nhằm giải quyết tốt nhất vấn đề từ người dùng và đem lại giá trị lớn nhất cho doanh nghiệp.

Mình đã bắt đầu nghề Product Manager như thế nào?

Khi vừa bắt đầu “vào ngành”, mình làm ở vị trí Business Development của Zalo Group. Công việc chính là đi tìm những doanh nghiệp lớn trong nước, từ nhà nước tới tư nhân, để đấu nối hệ thống và tạo ra Zalo Official Account cho họ, để họ có thể cung cấp những dịch vụ của mình thẳng qua Zalo và tiếp cận hàng chục triệu người dùng trên nền tảng này và tiết kiệm chi phí bỏ ra cho SMS.

Sau 1 thời gian thì mình được chuyển sang làm Product Owner, chịu trách nhiệm hoàn toàn 1 sản phẩm mới toanh ở Zalo cho thị trường Myanmar. Sau Zalo thì mình nhảy sang một công ty cũng máu mặt trong làng công nghệ ở ĐNA là SEA Group, nhưng mà làm cho 1 startup của SEA Group.

Trong suốt mấy năm ở cả 2 startup, mình đều phải tự “bơi”, khi mà lúc đó từ quy trình phát triển đến sử dụng các công cụ hỗ trợ đều chưa được ai chỉ dạy. Những “thuật ngữ” như User story, Wireframe, Usability Testing, SQL, API, v.v ngày nào cũng ám ảnh và thôi thúc mình phải tự tìm hiểu và học hỏi. Google, Stackoverflow, Productschool, Scrum.org lúc đó là những cái tab lúc nào cũng nằm sẵn trên trình duyệt web để mình liên tục nạp vào đầu đủ kiến thức để hỗ trợ công việc. Google Analytics, Firebase, hay những công cụ theo dõi số liệu trở thành thói quen mỗi sáng nhằm giúp mình nắm được số liệu về sản phẩm thường xuyên và tìm ra manh mối để xử lý những vấn đề có thể người dùng đang mắc phải.

Không chỉ những công việc mang tính kỹ thuật, mình cũng phải vận dụng hết kỹ năng mềm cho việc phát triển sản phẩm nữa. Mình luôn phải đảm bảo mình luôn biết người dùng và khách hàng đang gặp phải vấn đề gì, không chỉ với sản phẩm mà còn với công việc của họ. Để từ đó truyền đạt một cách hiệu quả nhất cho nhóm nhằm tạo ra những giải pháp phù hợp cho người dùng. Việc phỏng vấn người dùng sao cho hiệu quả, cách tiếp nhận và xử lý thông tin cũng là những kỹ năng mà mình vẫn thường xuyên phải trau dồi, kể cả cho đến bây giờ đã đi làm nghề này được 6 năm.

Những gì mình đúc kết được đến bây giờ

Có 1 câu tiếng Anh để chỉ cái nghề này là:”Jack of all trades, master of none”, nghĩa là cái gì cũng biết, nhưng không giỏi cái gì cả. Kỹ năng quan trọng nhất mình tích cóp được qua mấy năm chỉ có mấy cái gạch đầu dòng:

- Giao tiếp: nghề này cần bạn phải giao tiếp rất tốt, rõ ràng, ngắn gọn, và phù hợp đối tượng bạn giao tiếp. Sales có ngôn ngữ của sales, dev có ngôn ngữ của dev và bạn phải thành thục những ngôn ngữ này giống như giỏi tiếng Anh IELTS 9 chấm vậy. Và thực ra bạn cũng cần phải chuẩn bị sẵn kỹ năng tiếng Anh tốt để có thể thu nạp được thêm kiến thức trong ngành, vốn hầu hết là bằng tiếng Anh.

- Marketing và Data analysis: nghiên cứu thị trường, phân tích đối thủ, đọc số liệu, bạn phải rất yêu số, và hiểu số. Số gì thì khi làm sẽ có hàng nghìn con số để bạn đọc hàng ngày.

- Product Sense - Mắt nhìn sản phẩm: Khi sử dụng phần mềm trên máy tính hay điện thoại, hãy luôn tự hỏi chúng được tạo ra cho ai, mục đích, vấn đề chúng giải quyết là gì, và làm thế nào để nhà phát triển kiếm tiền từ những phần mềm đó.

- Hãy luôn đặt câu hỏi tại sao với mọi sản phẩm: tại sao cái này lại như vậy, tại sao cái kia lại thiết kế như thế này?

- Tình yêu công nghệ: rõ ràng rồi, bạn đang phát triển sản phẩm công nghệ mà. Hãy luôn đọc và học về công nghệ xung quanh bạn, và nếu có thể, học thêm 1 ngôn ngữ lập trình để hiểu hơn về thế giới của mấy anh chị dev.

- Tinh thần sẵn sàng làm mọi thứ: Thực sự nghề này không có 1 cái yêu cầu chuẩn nào. Bạn có thể phải làm cả sales, cả marketing, cả operation, thậm chí CSKH. Bất cứ việc gì cần, Product Owner/Manager cũng phải hỗ trợ.

Vậy bắt đầu trở thành 1 “người làm sản phẩm” như thế nào?

Nếu bạn không học công nghệ thông tin, hay làm lập trình viên, bạn vẫn có thể thử sức với những chương trình trainee, ví dụ như Product Management trainee của VNG, Momo hàng năm. Udemy, Linkedin Learning có những khóa học gần như A-Z cho bạn dư kiến thức để bắt đầu làm vị trí Product.

Những cuốn sách như Inspired - Kiến Tạo Sản Phẩm Công Nghệ Chiếm Trọn Trái Tim Người Dùng của Marty Cagan, hay Don't Make Me Think của Steve Krug, Cracking the PM Interview của Gayle Laakmann McDowell & Jackie Bavaro nên là những tựa sách gối đầu giường khi bạn bắt đầu muốn dấn thân vào nghề Product.

Nhưng cũng đừng mơ mộng. Sản phẩm của bạn không thể trở thành Facebook tiếp theo, hay đánh bại Tiktok. Hãy làm hài lòng những người dùng sản phẩm của bạn bằng những tính năng thật giá trị, giải quyết được vấn đề họ gặp phải, và sự thành công sớm muộn cũng sẽ đến.

_________________
Mình vẫn luôn sẵn sàng để hỗ trợ các bạn muốn học hỏi thêm về nghề làm sản phẩm, cũng như được nghe câu chuyện của các bạn nữa.

Kết nối với mình tại đây để có thể chia sẻ nhiều hơn nhé!

__________________________________________

Đến tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg xuất chúng tới vậy đều tìm cho mình một Mentor để học hỏi những bài học mà không sách vở nào có. Vậy khi bạn đang mông lung, hay gặp khó khăn khi trong quá trình học hỏi các kiến thức chuyên môn, kỹ năng mà không thể tìm được ở bất kỳ cuốn giáo trình, trang website nào thì bạn làm thế nào?

Thấu hiểu được nỗi băn khoăn ấy, Mentori đã cho ra đời nền tảng Mentoring với sứ mệnh kết nối cho các bạn sinh viên đến những anh chị, chuyên gia có chuyên môn về định hướng bản thân và kiến thức trong mọi lĩnh vực, ngành nghề mà các bạn theo đuổi. Với sự tham gia của đội ngũ Mentor giàu kinh nghiệm, thành công ở các lĩnh vực: HR, Marketing, Sales, Audit & Accounting, Finance & Banking,... đến từ những tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới như: Unilever, PwC, EY, BCG, McKinsey,...

TÌM KIẾM VÀ KẾT NỐI NGAY VỚI MENTOR TẠI ĐÂY!

Các mentor có thể bạn quan tâm

THẢO LUẬN

Vui lòng đăng nhập để có thể bình luận bài viết

Nguyễn Thị Thu Trang
Nguyễn Thị Thu Trang

2022-07-28 16:55:46

@[Trang Pham](523772420)


Nguyễn Thị Thu Trang
Nguyễn Thị Thu Trang

2022-07-28 16:54:43

Cảm ơn anh nhiều vì đã chia sẻ!


Phan Nguyễn Hồng Gấm
Phan Nguyễn Hồng Gấm

2022-07-14 11:23:49

Hi anh, anh có lịch tối nào không ạ?